CHƯƠNG MỞ ĐẦU
Tộc là một đại gia đình cùng chung một nguồn gốc, một huyết thống sinh tồn và phát triển qua nhiều thế hệ trong cộng đồng xã hội.
Tộc Nguyễn Hữu chúng ta theo phả hệ thì ông bà nguồn gốc ở Châu Hoan (Nghệ An), không rõ huyện, xã nào vào Nam khai cơ lập nghiệp đầu thế kỷ 17 thời chúa Nguyễn Hoàng (1600 - 1613) đến nay đã được 14 đời. Tổng số hộ trong tộc hiện có 138 hộ, tập trung nhiều nhất ở thị trấn Hà Lam, ở các xã trong và ngoài huyện, cùng một số con cháu đang định cư, làm ăn sinh sống ở các nơi trong và ngoài nước.
Đức Thuỷ tổ tộc ta tên thật là Nguyễn Hữu Nhơn, sinh năm Tân Mẹo (1591), chức vụ Thư ký phủ, tước Thượng Đức Nam, bà là Nguyễn Thị Được, sinh năm Nhâm Thìn (1592).
Về nho học, các đời kế tiếp học hành thông thái, đổ đạt làm quan đến các chức: tri phủ, tri huyện, Chủ sự, Cai thuộc, Thị lang, Thi giảng,...
Về tân học cụ ông Nguyễn Hữu Vỹ đã khai khoa đầu tiên cho làng Hà Lam. Đến nay con cháu đã có người tốt nghiệp tiến sỹ, thạc sỹ, cử nhân,...
Thời Pháp thuộc, những tấm gương tiêu biểu nhất của tộc ta cụ ông Nguyễn Hữu Nghiễm tham gia Nghĩa hội và đã anh dũng hy sinh. Cụ bà Nguyễn Thị Hướng tham gia các phong trào: Cần Vương, Đông du, bà có biệt hiệu "Nữ Tiêu Hà"; khi bà qua đời, nhà cách mạng Phan Bội Châu vô cùng thương tiếc, mặc dù đang bị cầm cố nhưng cụ đã cho người đến phúng điếu với câu đối:
"Hận ngã bất Vương tôn, quốc sỹ vị thường thanh cựu nhãn.
Phùng nhơn đàm phiếu mẫu, tuyền đài thượng đãi bạch vân tâm".
Cụ bà Nguyễn Thị Hợi được sắc phong "Tiết hạnh danh văn"
Qua các thời kỳ cũng như qua quá trình đấu tranh cách mạng Tộc ta đã có nhiều người sớm giác ngộ từ trước những năm 1940, nhận lãnh những trách nhiệm chủ chốt, có uy tín trong nhân dân. Những tấm gương can đảm, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc đến nay vẫn còn lưu tiếng.
Trải qua các thế hệ, ông bà ta không những đã gầy dựng nên cơ nghiệp cho dòng họ, mà còn
tham gia đóng góp công sức tiền của, cùng các tộc bạn để xây dựng làng xã, mưu cầu sự thịnh
vượng chung
Con cháu của tộc Nguyễn Hữu chúng ta phần đông thông minh hiếu học, có những đức tính tốt, làm ăn lương thiện, có lòng bác ái vị tha, hằng tâm hằng sản biết giữ gìn và phát huy thanh danh của dòng họ.
Tộc chúng ta được duy trì và phát triển đến ngày nay là nhờ công đức của cấc bậc tiền bối đã ra công vun đắp gầy dựng, con cháu chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ nề nếp gia tộc, chăm lo học hành, trau dồi phát triển nghề nghiệp, lối sống.
Muốn được như vậy, chúng ta phải cùng nhau có một quy ước chung, một "Tộc ước" để các thành viên trong tộc theo đó mà thực hiện, đồng thời cũng dựa theo đó mà phê phán uốn nắn
Xã hội ngày càng phát triển, kinh tế ngày một đi lên, song mặt trái của nó có nhiều sự cám dỗ, nhiều cạm bẩy nguy hiểm, nếu ta không biết rèn luyện, tự chủ, tự trọng sẽ bị vật chất làm sa ngã, hư hỏng.
Do đó Tộc ước là một văn bản cần thiết và quan trọng cho mỗi thành viên trong tộc
Những điều nêu trong bản Tộc ước này không có gì cao xa, mà là thực tế trong đời sống và sự
giao tiếp hằng ngày.
Mong tất cả bà con chúng ta mọi người đều cố gắng thực hiện, trước là đối với bản thân, gia đình, tộc họ, sau là xã hội và đất nước.
Ước mong con cháu tộc ta là những người tốt về bản thân, người con hiếu thảo trong gia đình, người công dân tốt trong xã hội, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
CHƯƠNG II. LÃNH ĐẠO TỘC
Điều 1: Thành phần lãnh đạo.
Tộc Nguyễn Hữu gần đây không có chế độ tộc trưởng mà có Hội đồng gia tộc gồm: 5 vị đại diện của 5 phái bầu ra, trong 5 vị đó bầu ra một vị gọi là Tộc biểu hay Bảo tộc, bất kỳ ở hệ phái nào có tuổi tác và uy tín, có khả năng và nhiệt tình chịu trách nhiệm với tộc, được phân công như sau:
1. Tộc biểu
2. Thư ký
3. Thủ quỷ
4. Ủy viên.
Điều 2: Hội đồng tộc do đại hội tộc bầu ra 5 năm một lần
Điều 3: Hội đồng tộc có thẩm quyền điều hành và giải quyết mọi công việc của tộc theo tinh thần tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Điều 4: Đại hội tộc mỗi năm họp 2 lần vào tháng 2 và tháng 12 âm lịch, khi cần thiết có cuộc họp bất thường.
Đại hội tộc có các mục sau: - Tổng kết báo cáo tình hình trong thời gian qua; - Báo cáo thu
chi; - Đề án công tác mới; - Thảo luận bổ sung; - Bầu Hội đồng mới ( nếu xét cần)
Điều 5: Các vị có chân trong Hội đồng Tộc phải làm hết trách nhiệm của mình và mẫu mực về mọi mặt để con cháu noi theo.
CHƯƠNG III: NHỮNG ĐIỀU QUY ĐỊNH ĐỂ MỌI THÀNH VIÊN THỰC HIỆN
Điều 6: Về bản thân và gia đình:
- Tôn trọng và phát huy truyền thống của dòng họ, không làm bất cứ điều gì có hại đến thanh danh của tộc.
- Vợ chồng phải thủy chung, anh em phải hoà thuận, kính trên nhường dưới, thực sự yêu thương giúp đỡ nhau.
- Ông bà phải răn dạy con cháu, mẫu mực để con cháu noi theo
- Con cháu phải hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; phụng dưỡng lúc tuổi già, săn sóc lúc ốm đau
- Tạo mọi điều kiện để con cháu học hành đến nơi đến chốn, có nghề nghiệp. Răn dạy con cháu xa lánh những cám dỗ, những tệ nạn xã hội.
- Phát triển kinh tế gia đình, làm ăn lương thiện, thu nhập chính đáng
- Phải đoàn kết tương thân tương ái đối với bà con tộc họ, làng xóm. Có lòng bác ái, vị tha, giúp đỡ nhau lúc ốm đau, hoạn nạn
- Đối xử với mọi người phải thật thà lễ phép nhã nhặn, trách văng tục chửi thề.
- Thực hiện kế hoạch hoá gia đình; mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có 1 hoặc 2 con. Nuôi con khỏe, dạy con ngoan, không trọng nam khinh nữ.
Điều 7: Đối với tộc họ:
- Phải xem nặng tình huyết thống, phải biết tôn trọng thứ bậc, tôn trọng người cao tuổi;
- Phải nhiệt tình tham gia mọi công việc của tộc đề ra, kể cả tinh thần lẫn vật chất;
- Thực hiện tốt luật hôn nhân, gia đình; khuyến khích con cháu nên kết hôn với người ngoài tộc; không kết hôn với dòng trực hệ trong dòng tộc;
- Các hộ trong Tộc là hội viên Hội Khuyến học;
- Đặt tên tuyệt đối không thay đổi chữ lót (hữu)
- Phải báo cáo cho trưởng Phái số người quá cố và trẻ sinh ra trong năm, các phái tổng kết báo cáo hằng năm vào ngày 13/12 để ghi vào gia tộc hệ
- Trong tộc khi có người ốm đau, hoạn nạn, Hội đồng Tộc và bà con phải thăm viếng động viên, an ủi;
- Khi có người quá cố, bà con trong tộc phải đến giúp đỡ chia buồn phúng điếu đưa tang.
Điều 8: Đối với xã hội:
Thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hoá:
- Tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn dân cư;
- Không: say rượu, cờ bạc, tàng trử sử dụng, mua bán ma tuý, chất gây nghiện,mại dâm;
- Tôn trọng tự do tín ngưỡng; không mê tín dị đoan, không đồng bóng, bói toán;
- Khi cúng tế, khuyến khích con cháu bỏ tục đốt vàng mã;
- Cưới xin, ma chay nên tổ chức đơn giản, tránh lãng phí tiền của, thời gian và công sức; chú trọng thân mật, trang nghiêm, vui vẻ;
- Nhiệt tình tham gia các đoàn thể, các tổ chức xã hội: Người cao tuổi, Hội chữ thập đỏ, Hội khuyến học,trợ tang,..
Điều 9: Bảo vệ môi trường sống:
- Nhà cửa phải gọn gàng, sạch sẽ; thực hiện mọi gia đình đều có nhà vệ sinh; không phóng uế bừa bãi;
- Xác gia súc, gia cầm chết phải chôn sâu, khử trùng; không được bỏ trên mặt đất hoặc vứt xuống ao hồ, kênh mương;
- Thu gom, xử lý rác theo quy định; không vứt rác bừa bãi ra đường hoặc xuống kênh mương, ao, bàu
Điều 10: Đối với đất nước:
- Dòng họ tộc Nguyễn Hữu cam kết tuyệt đối trung thành với tổ quốc Việt Nam, đặt quyền lợi quốc gia, dân tộc lên trên hết: - Thưc hiện tốt nghĩa vụ quân sự; - Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật; - Thực hiện đầy đủ mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đề ra, làm tốt nghĩa vụ của công dân; - Tôn trọng và biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã có công với đất nước, dân tộc; - Khi được Đảng, Nhà nước và xã hội giao trách nhiệm phải hoàn thành tốt công việc, giữ gìn phẩm chất đạo đức "cần kiệm, liêm chính; chí công, vô tư"
CHƯƠNG IV: PHỤNG SỰ TỔ TIÊN
Điều 11: Con cháu phải luôn luôn nhớ câu: uống nước nhớ nguồn, thờ cúng tổ tiên theo đúng nghi lễ tập tục, đơn giản nghiêm trang với lòng thành kính.
a) Các ngày lễ của Tộc trong năm: - Lễ tế xuân ngày 16 tháng 2 âm lịch; - Lễ chạp mả ngày 13 tháng 12 âm lịch;
- Tết nguyên đán từ ngày 01 đến ngày 04 tháng giêng.
Những ngày lễ hằng năm, con cháu phải đến chiêm bái tổ tiền, họp mặt cùng bàn công việc của Tộc. Riêng ngày chạp mả, con cháu phải đi sửa sang mồ mả trước 1 ngày theo sự hướng dẫn của các vị cao niên, kỹ lưỡng không bỏ sót.
b) Các ngày lễ nhà thờ Tiền Hiền: - Sáng 30 tháng 12 lễ rước ông bà;
- Sáng 04 tháng giêng lễ tạ ông bà;
- Chiều 14 và sáng ngày 15 tháng 02 lễ giỗ Tiền hiền.
Trong những ngày lễ trên Hội đồng gia Tộc và các vị cao niên dự lễ cùng tham gia công việc của làng.
c) Ngày giỗ tổ Hùng Vương: Ngày 10 tháng 3 âm lịch. Hội đồng Tộc, các vị cao tuổi cùng khuyến khích con cháu đến dự lễ để tỏ lòng biết ơn vua Hùng, người đã có công dựng nước.
CHƯƠNG V: KHEN THƯỞNG, BIỂU DƯƠNG VÀ BIỆN PHÁP UỐN NẮN NHƯNG ĐIỀU CHƯA TỐT
Điều 12: Trong những dịp họp Tộc, Hội đồng Tộc có biểu dương hoặc khen thưởng những hộ, những người làm được nhiều việc tốt.
Điêù 13: Các thành viên trong Tộc không thực hiện đúng theo bản Tộc ước này hoặc làm những điều sai trái, thì tuỳ theo khuyết điểm nặng nhẹ mà tự giác chấp hành các biện pháp sau: Nhẹ, phê bình góp ý cá nhân; Nặng, góp ý trước Hội đồng Tộc, cảnh cáo trước đại hội Tộc, khấn vái trước bàn thờ tổ tiên nguyện quyết tâm sửa đổi.
Điều 14: Bản tộc ước này có tính chất xây dựng nên có giá trị lâu dài. Tuy nhiên xét thấy cần phải sửa đổi điều khoản nào phải được đại hội Tộc quyết định.
Rất mong toàn thể bà con trong Tộc, mọi người như một cố gắng bản thân và giúp đỡ nhau quyết tâm thực hiện bản Tộc ước này một cách có hiệu quả. Làm được như thế Tộc chúng ta sẽ có những bước tiến bộ trong cộng đồng của xã hội.
Bản Tộc ước này đã được thông qua tại Đại hội toàn Tộc vào ngày 21 tháng 3 năm 2000 (tức ngày 16 tháng 2 năm Canh Thìn) được toàn Tộc thảo luận và nhất trí
Làm tại Hà Lam, ngày 15 tháng 4 năm 2000
TM.HỘI ĐỒNG TỘC NGUYỄN HỮU
Tộc biểu
Nguyễn Hữu Tửu (đã ký)
XÁC NHẬN CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN THỊ TRẤN HÀ LAM
(Theo chỉ thị 24/1998/CT-TT ngày 10/6/1998)
Tộc ước tộc Nguyễn Hữu ở tại Thị trấn Hà Lam này đã đuợc
Thông qua bà con trong tộc thống nhất thực hiện ( gồm 5 chương, 14 điều).
Kính chuyển Phòng VHTT Huyện xét đề nghị công nhận
Haf Lam, ngày 09/5/2000
TM. UBND Thị trấn Hà Lam
CHỦ TỊCH
PHAN KHẮC NHÌ ( đã ký )
Ý KIẾN PHÊ DUYỆT CỦA PHÒNG VHTT HUYỆN
Đã kiểm tra nội dung tộc ước. Kính chuyển UBND huyện Thăng Bình chuẩn y
Ngày 09/6/2000
Phòng VHTT - TDTT Thăng Bình
NGUYỄN HOÀNG BÍCH ( đã ký)
UỶ BAN NHÂN DÂN. CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
HUYỆN THĂNG BÌNH. Độc lập - Tự do - Hạnh Phúc
Số: 398/QĐ - CT.
Thăng Bình, ngày 4 tháng 7 năm 2000
QUYẾT ĐỊNH
V/ v Phê duyệt tộc ước tộc Nguyễn Hữu
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN HUYỆN THĂNG BÌNH
- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 21 tháng 6 năm 1994
- Căn cứ Nghị định số 29/1998/ NĐ - CP ngày 11 tháng 5 năm 1998 của Chính phủ v/ v ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã,
- Xét bản tộc ước tộc Nguyễn Hữu đã được Hội đồng gia tộc thông qua ngày 21 tháng 3 năm 2000;
- Theo đề nghị của Chủ tịch UBND Thị trấn Hà Lam, Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin - Thể dục, thể thao và Trưởng phòng Tổ chức chính quyền huyện Thăng Bình
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Nay phê duyệt tộc ước tộc Nguyễn Hữu ở Tổ 1, khu phố IV, Thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2000
Đieu 2: Tộc trưởng tộc Nguyễn Hữu có trách nhiệm họp công bố quyết định này và tổ chức họ hàng trong tộc thực hiện đầy đủ các đieu trong tộc ước đã quy đinhj. Khi thay đổi, bổ sung phải được sự chấp thuận bằng văn bản của UBND Huyện
Điều 3: Các ông: Chánh văn phòng UBND Huyện, Trưởng phòng Tổ chức chính quyền,
Trưởng phòng VHTT - TDTT, Chủ tịch UBND Thị trấn Hà Lam và Hội đong gia tộc Nguyễn Hữu căn ức quyết định thi hành ./.
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN
HUYỆN THĂNG BÌNH
NGUYỄN HỮU HIỆP ( đã ký)