Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

Ý kiến của một thành viên trong Tộc

         Với tinh thần nhiệt tình, trách nhiệm năm 2011 và 2012, tộc trưởng - anh Nguyễn Hữu Trúc, đã đi một số tỉnh ở Tây Nguyên và miền Nam lần tìm được nhiều nhánh của tộc mà lâu nay "mất liên lạc", "không rõ tông tích", không có tên (thất tự) trong gia phả trước. Nhưngx năm trước đây, qua nhiều đời Tộc cũng đã biên soạn, ghi chép gia phả. Hiện nay là bản mới cập nhật đến năm 2012, có bổ sung nhiều so với các bản cũ.
          Nay nhờ phương tiện truyền thông hiện đại, được sự đồng ý của Tộc Trưởng, tôi Nguyễn Hữu Chiến, đời 11 phái 4 đưa gia phả Tộc lên mạng để con cháu các nơi trên toàn quốc và ở nước ngoài có điều kiện xem lại để hiểu rõ hơn về bà con, những người thân thuộc của mình trong tộc.
Sau này sẽ đưa các hình ảnh, các hoạt động của tộc, để mọi người có thể "gặp gỡ" bà con của mình qua ảnh dù ở cách xa; để cảm thấy gần gũi, thân tình hơn. Ca dao Việt Nam có câu : Một giọt máu đào hơn ao nước lã. Khi điều kiện vật chất phát triển thì nhu cầu tình cảm, tinh thần cũng phát triển hơn để tìm về nguồn; tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên đã sinh ra, nuôi dưỡng ta trưởng thành ngày hôm nay.  
               Quá trình sao chép có thể sai sót, do vậy bà con nào phát hiện xin liên lạc theo địa chỉ sau để chỉnh sửa: email: chienngh@yahoo.com hoặc chienngh55@gmail.com, hoặc gọi di động số: 098 302 86 37.
           Nhân đây cũng đưa lời tựa của gia phả soạn năm 1939 (cách nay 75 năm) để con cháu của tộc biết.

Lời tựa của gia phả tộc Nguyễn Hữu, Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam



          Nhân dân hội tụ thành nước, chi phái hội tụ thành họ tộc. Nước có sử như bức hình chụp của cả nước, từng kiểu ảnh coi là bức chụp của từng dòng họ. Vậy dòng họ không có gia phả ghi lại cho mọi người cùng biết được cội nguồn, gốc rễ của toàn tộc họ ư ?
          Dòng họ Nguyễn Hữu ta ngược lên từ Cụ Thuỷ tổ Nguyễn Hữu Nhơn, sinh năm Tân Mẹo 1591, tạ thế năm Tân Hợi 1671. Sân hoè, vườn quế Châu Hoan, Nghệ An khởi điểm từ xưa. Lá ngọc cành vàng Động Lam vi tiên lưu đáo, trải đến các cụ Văn Đức Nam, Tiệm Đức Nam, Hán Thanh Hầu, Mưu Lược Nam, Đoan Quan Hầu, Lượng Thế Tử, cùng các cụ trong làng đã làm những việc có ích cho đương thời, công lao lưu lại mãi mãi cho muôn đời sau, việc chấn chỉnh phong tục còn ghi danh trong ngôi chùa cổ. Ngài Thuỷ tổ về nơi này khai cơ lập nghiệp, xưa một bổn chồi lan nay nhảy sinh 15 nhánh tăng huy, trở thành một dòng họ Nguyễn Hữu lớn nhất nhì trong làng, há lại không có gia phả ghi chép để lưu truyền cho hậu thế. Nhưng đến đời cụ Hán Thanh Hầu gặp cơn binh biến, loạn lạc từ đường của dòng họ bị cháy, gia phả cũng tàn theo. Tiếp đó tuy có Cụ Đoan Quan Hầu, Lượng Thế Tử cho đến các Phủ quân, Chủ sự, Thị giảng nổi danh văn học, kế tiếp đổ đạt thành tài. Dù nơi chốn quan trường tiếng tăm lừng lẫy; nhưng trong tâm thức mỗi người đều muốn tu bổ gia phả tộc, họ để lưu lại cho con cháu, nhưng khắc hoài vẫn không làm được. Tuy nhà thờ cùng chung tay xây dựng, cùng chung mua ruộng thờ, qui mô xây dựng cũng nhỏ và khiêm tốn, nhưng vẫn có chổ để thờ tự là mãn nguyện lắm rồi. Cái còn thiếu vẫn là chưa có gia phả, cho nên mỗi khi họp họ tộc, mọi người đều than vãn luyến tiếc việc dựng lại gia phả há không làm được ư ? Nay nhận được cuốn gia phả của Hữu Châu, Phiên tôi mở ra xem từ lời mở đầu, quả thực vừa mừng, vừa đáng khâm phục. Nhiều lần mở ra xem rồi khảo cứu kỹ lưỡng trong đó ghi chú rõ ràng ông bà tổ tiên, liệt kê các cháu chắc trai gái, dâu rễ có trình tự, lớp lang, có kèm theo cả lược đồ sinh hạ. Tuy 12 đời đã xa, con cháu đông đến mấy ngàn người, bản gia phả tuy đã cũ nhưng rõ ràng chữ viết còn nức mùi thơm
          Từ nay về sau, ta cùng mọi người đã biết phải nhớ đến gốc rễ, cội nguồn; phải tương thân, tương ái; phải thăm viếng, giúp đỡ lẫn nhau; phát huy và giữ gìn thanh danh của dòng họ; phải ngậm
ngùi đau xót khi có ai lâm chung, hoạn nạn vì đó là tính nhân bản của huyết thống. Ngạn ngữ có câu « Hàng xóm láng giềng gần, không thân bằng họ hàng chín đời ». Mọi người hãy nhớ lấy, hãy tâm niệm trong lòng. Hữu Châu là người có chí, không vì công việc kinh doanh bận rộn mà xao nhãng đến tổ tiên, ông bà. Điều quan trọng là ông ấy ngưỡng mộ tổ tiên, đã sưu tầm lại sách vở cũ , theo thế thứ biên soạn lại gia phả. Phiên tôi thật sự không thể lường được cúi xin vong linh tiên tổ phù hộ độ trì cho con dòng cháu giống phồn vinh, ngày thêm phát đạt hanh thông, nhân an vật thịnh, phước thọ diên trường.
           Kinh Thư có câu « Con cháu hiền tài, họ hàng mai mạnh ». Đây cũng là lời cầu chúc cho cả dòng họ chúng ta. Nhưng rồi điều nói ra vẫn chưa hết ý, bằng viết ra làm minh chứng cho hậu thế.
          Vậy có lời tựa này:
                                           Cây có gốc mới nở cành xanh lá
                                         Nước có nguồn mới bể cả sông sâu
                                             Người ta nguồn gốc từ đâu
                                        Có tổ tiên trước rồi sau mới có mình
                                              Tháng 11 Kỷ Mão niên 1939
                                 Song Thăng Hùng Hán Hữu Phiên kính cẩn viết lời tựa          
                    (Phỏng dịch theo nguyên văn bằng chữ Hán của Cụ Tú tài Nguyễn Hữu Phiên)